Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Chuẩn bị xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm!

Ngày 15-6 tới Công An giao thông tiến hành dừng xe nhắc nhở người đội mũ bảo hiểm rởm và từ ngày 1-7 sẽ triển khai xử phạt từ 100.000-200.000 VNĐ đối với người đội mũ bảo hiểm rởm.Thực hiện tịch thu mũ bảo hiểm rởm đồng thời với quyết định xử phạt tiền. 

Quy định này đang gây ra sự tranh cãi trong dư luận. Nhiều người thì lo ngại rằng, chỉ được một thời gian, các cơ quan chức năng sẽ lại “đánh trống bỏ dùi”…

Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành kế hoạch 69 về an toàn giao thông trên toàn quốc về xử phạt MBH rởm. Theo đó, MBH rởm là những loại mũ theo Thông tư liên tịch 06 (của Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Công thương) đã chỉ rõ: Mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy; không hoặc chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; Các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; Các loại MBH xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Một địa điểm thu đổi mũ bảo hiểm "rởm" lấy mũ bảo hiểm "xịn".



Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG cũng cho hay: “Trước mắt, cơ quan chức năng chỉ xử phạt trường hợp mũ không đủ 3 lớp. Đặc điểm dễ nhận thấy của MBH rởm, thường là không đủ 3 bộ phận gồm: Vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ. Loại mũ này thường là bằng nhựa dạng mũ lưỡi trai, mũ cối... Không cần đến thiết bị đo đếm, phát hiện các trường hợp vi phạm, mà chỉ cần bằng mắt thường, rất dễ để nhận biết được đó là mũ không đủ 3 lớp, loại mũ này không có chức năng bảo hiểm. Các trường hợp mũ không có tem và nhãn, do trước đây người tiêu dùng mua mà không biết quy định cụ thể phải có tem nhãn, hoặc tem nhãn bị mờ, rách nhưng nếu vẫn đủ 3 bộ phận, sẽ không bị xử phạt”.

Được biết, để triển khai chiến dịch trên một cách hiệu quả, hiện tại nhiều địa phương đã được yêu cầu vào cuộc xử lý các nhà sản xuất MBH kém chất lượng. Đồng thời tuyên truyền nhắc nhở đối với những người đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện phải đội MBH đạt chuẩn. Việc xử phạt đối với hành vi này, được áp dụng theo Nghị định 171/2013, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Có thể thấy, việc triển khai chiến dịch đấu tranh với vấn nạn MBH rởm, là một hành động có mục đích rất tốt. Hướng đến mục tiêu, ngăn ngừa hàng giả hàng nhái các loại MBH, để bảo vệ an toàn cho người dân. Tuy nhiên, “chiến dịch” đấu tranh với hành vi đội MBH rởm mà cơ quan chức năng sẽ triển khai trong thời gian tới lại trong điều kiện hoàn cảnh, không có gì “cải thiện” so với trước đây. Vì vậy nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của chiến dịch, cũng như lo ngại về khả năng “đánh trống bỏ dùi”.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội, ở nhiều tuyến phố: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trương Định; Chùa Bộc, Tây Sơn, … các loại MBH rởm vẫn bày bán nhan nhản mà không thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Trong khi đó, các trường hợp người dân đội các loại MBH rởm, mũ thời trang có thể nói là… nhiều không đếm xuể.

Thượng tá Lê Đức Đoàn.

Trao đổi với PV về tính khả thi của chiến dịch xử lý người đội MBH rởm lần này, Thượng tá Lê Đức Đoàn, cán bộ Đội CSGT số 1, phòng CSGT Hà Nội cho rằng, việc xử phạt người dân đội MBH rởm, lần này cơ quan chức năng triển khai nhiều khả năng không khả thi.

Bởi lẽ, thứ nhất quy định xử phạt phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người dân, của người bị xử lý vi phạm; thứ hai hành vi vi phạm phải dễ phát hiện, dễ xác nhận, không gây tranh cãi. Thực tế, nếu CSGT giữ một người cho rằng họ đội MBH giả, thì việc xác minh chiếc mũ đó là thật hay giả sẽ rất mất thời gian – phần nhiều người dân sẽ cãi rằng họ không biết đó là mũ giả, mà lực lượng chức năng nói họ mới biết. Như vậy, trong khi “đôi co” để xác định thật giả, thì rất có thể có nhiều hành vi vi phạm khác, nghiêm trọng hơn… lại bị bỏ lọt, không kịp thời xử lý ngăn chặn.

Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao hiệu quả đảm bảo tính khả thi của các quy định, chúng ta nên tập trung vào những lỗi vi phạm rõ ràng, tường minh, không gây tranh cãi”.

Tiến sĩ luật Hoàng Ngọc Giao cho rằng trước tiên cần phải xử lý tận gốc việc sản xuất và bày bán MBH rởm.

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển, để MBH rởm tràn lan trên thị trường như hiện tại, rõ ràng do năng lực quản lý của cơ quan chức năng kém, làm không đến nơi đến chốn chứ không phải do ý thức người dân.

“Theo tôi, trước hết các lực lượng hải quan, biên phòng, quản lý thị trường… phải làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, triệt nguồn cung cấp sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Sau đó mới tính đến xử lý các trường hợp người dân có nhu cầu tiêu thụ hàng giả. Đó mới là giải pháp cơ bản để tháo gỡ tận gốc rễ vấn đề. Tuy nhiên, đối với người sử dụng, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho họ thấy hiểm họa của việc đội MBH kém chất lượng, giúp họ cách nhận biết để mua được hàng đúng tiêu chuẩn”, TS Hoàng Ngọc Giao nói.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, đa số người dân biết nhưng vẫn cố tình mua loại MBH rẻ tiền, mỏng dính và đầy màu sắc để đội cho có, cho đẹp. Vì lẽ đó, chế tài “rắn” để răn đe, thay đổi nhận thức là điều nên làm. Chính vì vậy lực lượng CSGT vần phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra và xử lý nghiêm việc người dân cố tình vi phạm.

Thảo Phượng - Petrotimes
Tổng hợp bởi Style Mart

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét